TT - Thủ tướng kết luận năm nay phấn đấu đạt mức tăng trưởng 6%, kiềm chế tăng chỉ số giá tiêu dùng ở mức khoảng 15% và yêu cầu các cơ quan hữu quan tập trung vào tám nhóm giải pháp ưu tiên.
|
Hỗ trợ tạo công ăn việc làm, cải cách tiền lương, chính sách hỗ trợ cho người lao động là một trong tám nhóm giảm pháp ưu tiên của Chính phủ thời gian tới. Trong ảnh: công nhân Công ty cổ phần May Sài Gòn 2 trong dây chuyền sản xuất - Ảnh: TRẦN VŨ NGHI |
Tại cuộc họp báo chiều 3-6, ông Nguyễn Xuân Phúc - ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - cho biết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2011 đã thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm tháng đầu năm; chương trình cải cách hành chính 2011-2020; vấn đề chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu tại các tập đoàn kinh tế nhà nước; phụ cấp thâm niên cho nhà giáo; quy hoạch phát triển nguồn nhân lực từ nay đến năm 2020...
Kiềm chế lạm phát, đảm bảo tăng trưởng
Tại phiên họp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận mục tiêu phát triển của năm 2011 là phấn đấu đạt mức tăng trưởng 6% (tăng trưởng sáu tháng đầu năm ước đạt khoảng 5,6%), kiềm chế tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức khoảng 15%, giảm bội chi ngân sách dưới 5%, nhập siêu không quá 16% kim ngạch xuất khẩu, tiết kiệm chi 10%.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ đây là nhiệm vụ rất khó khăn, nhưng cần “bám chặt”, coi đây là mục tiêu bao trùm để tập trung chỉ đạo, điều hành từ nay đến cuối năm.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Cao Viết Sinh, tăng trưởng kinh tế có thể thấp hơn so với mục tiêu ban đầu vì phải ưu tiên kiềm chế lạm phát, nhưng đó không phải là hi sinh tăng trưởng để chống lạm phát. Vẫn phải đảm bảo tăng trưởng ở mức hợp lý.
Ông Nguyễn Xuân Phúc cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu năm tháng qua ước đạt trên 34,7 tỉ USD, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm trước và gấp hơn 3 lần chỉ tiêu kế hoạch đã được Quốc hội thông qua (10%). Tuy nhiên, năm tháng đầu năm ước nhập siêu khoảng 6,6 tỉ USD, bằng xấp xỉ 19% kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mục tiêu đề ra là dưới 16%. Các cơ quan chức năng đã và đang ban hành những hàng rào kỹ thuật cần thiết, phù hợp với cam kết hội nhập để hạn chế nhập siêu...
|
Mục tiêu của Chính phủ năm 2011 là kiểm soát chặt chẽ giá cả, đặc biệt ở các mặt hàng nhu yếu phẩm. Trong ảnh: người dân mua hàng ở chợ Bến Thành, TP.HCM - Ảnh: NHƯ BÌNH
|
Tập trung cho sản xuất
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên nói biện pháp Bộ Công thương đưa ra (thông tư 20/2011 TT-BCT quy định theo hướng chặt chẽ hơn đối với việc nhập khẩu ôtô - PV) là để tạo ra sự lành mạnh của thị trường ôtô, đặc biệt đối với ôtô chín chỗ ngồi trở xuống.
“Thời gian qua, lượng nhập khẩu ôtô nguyên chiếc, trong đó có xe chín chỗ ngồi trở xuống gia tăng tương đối lớn. Riêng nhập xe chín chỗ ngồi trở xuống trong năm tháng đầu năm tăng về lượng 56%, tăng về giá 73%, tức là ngày càng có hiện tượng nhập xe giá trị cao hơn. Đối với các hợp đồng nhập khẩu ôtô ký trước ngày 12-5, tức là trước thời gian ban hành thông tư có liên quan, chúng tôi sẽ xem xét cụ thể, nếu có chứng cứ chính đáng thì sẽ phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý” - ông Biên nói.
Về quy định nhập khẩu các mặt hàng mỹ phẩm, rượu, điện thoại di động phải tập trung vào ba cảng biển của Việt Nam, đồng thời yêu cầu có các thủ tục về công chứng tại cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, ông Biên cho biết đã có một số tổ chức quốc tế phản ảnh quan ngại, hiện cơ quan chức năng đang trong quá trình tham vấn xem quy định này có gì trái với cam kết quốc tế để có hướng xử lý.
Trả lời câu hỏi của báo chí về cơ cấu tín dụng trong những tháng đầu năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết nghị quyết 11 của Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước điều hành theo hướng tập trung ưu tiên vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa; giảm tốc độ và tỉ trọng vay vốn tín dụng của khu vực phi sản xuất, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán.
Theo đó, đến ngày 31-5-2011, tăng trưởng tín dụng là 6,92% so với cuối năm 2010, tín dụng cho khu vực sản xuất tăng 25%, đáp ứng được tinh thần của nghị quyết 11.
Ông Giàu nói cơ cấu tín dụng phi sản xuất cuối năm 2010 chiếm 18,87% trong tổng dư nợ, Ngân hàng Nhà nước đang điều hành để đến cuối năm nay sẽ giảm xuống còn 16%.
V.V.THÀNH
8 nhóm giải pháp ưu tiên
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2011, Thủ tướng Chính phủ quán triệt các bộ, ngành và địa phương tập trung vào tám nhóm giải pháp ưu tiên.
Thứ nhất, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, ưu tiên cho sản xuất. Chú ý kiểm soát nợ xấu ngân hàng, nhất là nợ xấu liên quan tới bất động sản. Tiếp tục kiểm soát chặt và quản lý được tỉ giá ngoại tệ và vàng.
Thứ hai, kiểm soát chặt chẽ giá cả, không để thiếu hàng, ngăn chặn đầu cơ. Đặc biệt giá các mặt hàng thiết yếu, sản phẩm đầu vào của nền kinh tế điều chỉnh phù hợp với từng thời điểm, theo đúng mục tiêu kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.
Thứ ba, điều hành các chính sách thu, chi ngân sách nhà nước theo hướng giảm bội chi, tiết kiệm chi thường xuyên, bên cạnh đó đảm bảo thực hiện an sinh xã hội.
Thứ tư, thực hiện kiểm soát, hạn chế nhập siêu, có các chính sách hạn chế nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ.
Thứ năm, tiếp tục cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư công, tập trung vốn cho các dự án, công trình cấp bách, thiết yếu, trên cơ sở xem xét, giải quyết từng dự án cụ thể, ưu tiên dự án phục vụ sản xuất, an sinh xã hội, phòng chống thiên tai, quốc phòng an ninh. Tiếp tục tháo gỡ thủ tục, tạo môi trường thu hút đầu tư nước ngoài.
Thứ sáu, quan tâm công tác an sinh xã hội, hỗ trợ tạo công ăn việc làm, xem xét tiếp tục cải cách tiền lương, các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng người nghèo, gia đình chính sách, sinh viên.
Thứ bảy, tăng cường công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc phòng.
Thứ tám, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận.
|
___________________
“Thủ tướng đã có ý kiến ủng hộ đề án xây dựng lực lượng kiểm ngư Việt Nam” - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết tại cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ chiều 3-6. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đề xuất sẽ điều chỉnh hệ thống pháp lý để hình thành một tổ chức chuyên nghiệp và phản ánh đúng đặc thù của công việc kiểm ngư.
Theo TTXVN, liên quan đến vụ việc tàu Bình Minh 02 bị tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp thăm dò, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: VN là một quốc gia độc lập, VN có quyền bảo vệ đặc quyền kinh tế và quyền lợi chính đáng của mình. Tàu Bình Minh 02 sẽ tiếp tục khai thác thăm dò tại vùng đặc quyền kinh tế của VN và sẽ có các biện pháp bảo đảm an toàn cần thiết cho người nước ngoài làm nhiệm vụ trên các tàu thăm dò khai thác này.